top of page

Các làng nghề Kim Hoàn Việt Nam


Ở nước ta, nghề mỹ nghệ kim hoàn đã có từ hàng ngàn năm, đã trở thành nghề cổ truyền cùng với bao nghề thủ công khác, nhiều làng nghề mỹ nghệ kim hoàn nổi tiếng từ thời Việt cổ cho đến bây giờ như Kế Môn, Đồng Xâm, Kiêu Kỵ, Châu Khê.


Làng nghề kim hoàn Kế Môn, Huế

Ðến với Huế là đến một vùng danh lam thắng cảnh kỳ thú hữu tình, đầy sức quyến rũ với con sông Hương hiền hòa bên ngọn Ngự Bình hùng vĩ. Nơi đây còn có một cái nôi sản sinh ra rất nhiều thợ kim hoàn nổi tiếng, chính là làng Kế Môn, huyện Phong Điền.


Một thợ thủ công đang miệt mài làm nghề.
Một thợ thủ công đang miệt mài làm nghề.

Kế Môn là một làng có nghề kim hoàn nổi tiếng lâu đời. Làng Kế Môn trước đây thuộc xã Phong Thạnh cũ, nay thuộc xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Làng nằm về hướng Đông Bắc, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 40 km.

Theo sử sách xưa còn ghi lại, làng Kế Môn được thành lập vào thế kỉ 14 dưới đời Vua Trần Anh Tông, làng Kế Môn nằm bên phá Tam Giang lại có đất nông nghiệp nên cư dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề nông và đánh bắt cá.

Tương truyền, vị Đệ nhất Tổ sư Cao Đình Độ sinh năm Giáp Thìn (1744), tại làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Xuất thân từ một gia đình nông dân, thuở thiếu thời ngài rất ham học và được truyền thụ nền giáo dục Nho giáo. Lớn lên ngài làm nghề bịt đồng nhưng đam mê lớn nhất lại muốn trở thành một người thợ kim hoàn xuất sắc. Ước mơ mãnh liệt ấy ngày đêm luôn thôi thúc, dưới thời Vua Lê, ngài giả dạng người Tàu lên đường “tầm sư học đạo” thọ giáo nghề Ngân tượng của một ông thầy người Hoa. 

 Năm Quý Mão (1783), quân Trịnh chiếm đóng Phú Xuân, đường vào Thuận Hóa thông thương nên ông đã cùng vợ con men theo bờ biển vào Nam và dừng chân lập nghiệp tại làng Kế Môn. Tại đây, ngài đã truyền nghề cho con trai mình là Cao Đình Hương. Thừa hưởng đức tính thông minh của cha, Cao Đình Hương tiếp thu nghề kim hoàn một cách nhanh chóng và trở thành một nghệ nhân thành thục.

Tiếng lành đồn xa, hai cha con ông được Vua triệu kiến giao chức Lãnh binh và Phó Lãnh binh để quản lí Đội Cơ vệ ngân tượng. Sau khi cha mất, Đệ nhị Tổ sư Cao Đình Hương quyết định từ quan về nhà để tìm người nối nghiệp gia đình. Quan Thượng thư Bộ Lại ở Thuận Hóa lúc bấy giờ là Trần Minh cùng vợ là Huỳnh Thị Ngọc đã mời ông về Phủ dạy nghề cho 3 người con là Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền và 3 người cháu là Huỳnh Quang, Huỳnh Bảo, Huỳnh Nhật. Sự việc đó đã biến làng Kế Môn thành làng thợ kim hoàn lớn vào bậc nhất ở xứ Đàng Trong.


Ngày 28 tháng 2 năm Canh Ngọ, ông Cao Đình Độ qua đời, hưởng thọ 66 tuổi. Nhà vua và Triều đình thương tiếc, truy phong thêm tước hiệu: “Đệ nhất tổ sư”, được ban đất xây lăng như các quan đại thần và cử hành tang lễ chu tất, an táng tại ấp Trường Cởi (phường Trường An bây giờ). Sau 11 năm cáo quan dạy nghề,  ngày 8 tháng 2 năm Tân Tỵ, ông Cao Đình Hương qua đời, thọ 48 tuổi, được Vua Minh Mạng phong tước hiệu: “Đệ nhị Tổ sư”, phần mộ được an táng cạnh mộ phần tổ phụ. Để tưởng nhớ công ơn khai sinh nên nghề bạc, Vua cho cấp đất xây dựng Nhà thờ Tổ nghề kim hoàn tại số 7, đường Chùa Ông bây giờ.

Từ đó đến nay đã được hơn 200 năm, cũng từ đó làng Kế Môn trở thành cái nôi của nghề kim hoàn xứ đàng Trong. Nghề kim hoàn Kế Môn là nghề thủ công cổ truyền chuyên làm đồ trang sức bằng chất liệu vàng bạc có trang trí hoa văn gồm: ngành trơn sản xuất các sản phẩm đơn giản, không chạm trổ nhiều; ngành đậu làm các mặt hàng có hoa văn hình kỉ hà để gắn lên mặt của các sản phẩm; ngành chạm chạm trổ trực tiếp các hình và hoa văn lên các sản phẩm.

Với niềm đam mê, lòng yêu nghề, những người thợ kim hoàn đã cho ra đời những sản phẩm mang theo tâm huyết của bản thân. Mỗi một sản phẩm đều chứa đựng cái hồn của người thợ - đó chính là thành công của người thợ Kế Môn. Các sản phẩm kim hoàn ở đây đã đáp ứng được nhu cầu về trang sức, trang trí của cư dân và quan lại ở chốn Kinh thành Huế ngay từ cuối thế kỷ XVIII do nhiều người thợ kim hoàn từ phương Bắc vào. Sản phẩm kim hoàn ở Kế Môn nổi tiếng có chất lượng tốt so với nhiều nơi khác với kỹ thuật tay nghề tinh xảo và chạm khắc cầu kỳ được làm ra bởi những người thợ có kinh nghiệm, khéo tay và giàu khiếu thẩm mỹ sáng tạo, thể hiện rõ nhất là trên các đồ trang sức như vòng, kiềng, nhẫn, lắc, dây chuyền, khuyên tai bằng vàng hoặc bạc.


Một sản phẩm của làng nghề kim hoàn Kế Môn.
Một sản phẩm của làng nghề kim hoàn Kế Môn.

Hai trăm năm qua, hàng ngàn người làng Kế Môn đã rời làng ra đi và có mặt, trước tiên là ở Kinh thành Huế (để làm trong Cơ vệ Ngân Tượng của Triều đình), sau đó là ở hầu hết các đô thị, thị tứ, chợ lớn của cả nước và sau này là vươn ra thế giới. Nghề kim hoàn trở thành nghề kiếm sống của người dân Kế Môn, nghề làm vàng từ đây mà tỏa ra khắp cả nước. ​Không những thế người làng Kế Môn còn đưa nghề truyền thống của mình vươn ra khắp thế giới nhằm quảng bá cho quê hương đất nước, hiện tại tiểu bang Texas của Mỹ có 40 cơ sở cầm vàng của người Kế Môn. Tại Huế các sản phẩm kim hoàn được trưng bày tại “Tịnh Tâm Kim Cổ”, trong các đợt Festival nghề truyền thống của Huế người làng Kế Môn đều tham dự. Làng Kế Môn có nhiều nhà thờ họ với tất cả 16 nhà thờ, đây là những họ đã có công mở làng cũng như phát triển nghề kim hoàn. Và hàng năm, vào ngày 27 tháng 2 Âm lịch, họ đều tổ chức giỗ tổ và gặp gỡ giao lưu để nâng cao tay nghề.

Ngày nay, ngoài khu mộ tổ và nhà thờ tổ kim hoàn vẫn còn lưu giữ ở đất Thần Kinh thì cũng chỉ có đến Huế du khách mới có cơ hội trực tiếp chứng kiến hoặc tham gia các công đoạn sản xuất của nghề kim hoàn truyền thống.


Nhà thờ Tổ nghề kim hoàn tại làng Kế Môn.
Nhà thờ Tổ nghề kim hoàn tại làng Kế Môn.

Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, Thái Bình

Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình từ lâu nổi tiếng khắp nơi bởi độ tinh xảo với những món hàng độc đáo. Nghề chạm bạc, đồng Đồng Xâm có lịch sử gần 600 năm, đi qua 3 xã: Hồng Thái, Lê Lợi và Trà Giang, hình thành một vùng làng nghề dài 6 km mang tên Lê Hồng Trà, với 150 cơ sở sản xuất, trên 4.000 lao động thủ công chạm bạc, đồng. Làng nghề chạm bạc truyền thống Đồng Xâm được Trung ương Hội Làng nghề Việt Nam công nhận là một trong 12 làng nghề tiêu biểu toàn quốc. Trung bình mỗi năm, vùng làng nghề chạm bạc Đồng Xâm sản xuất hàng trăm tấn sản phẩm, doanh thu trên 100 tỷ đồng/năm.


Làng nghề chạm bạc truyền thống Đồng Xâm
Làng nghề chạm bạc truyền thống Đồng Xâm

Tổ nghề chạm bạc là Nguyễn Kim Lâu. Ông sống vào khoảng đầu thế kỷ XVII, vốn làm nghề vàng bạc ở Châu Bảo Long (Cao Bằng ngày nay). Về sau, Ông đến vùng Kiến Xương (Thái Bình) lập ra 12 phường để truyền nghề. Các phường nghề ngày đó nay là nghề chạm bạc Đồng Xâm, nằm ở hữu ngạn sông Đồng Giang. Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm được tổ chức sản xuất theo phường hội.

Sớm nhất trong các phường nghề này là phường Phước Lộc, về sau do làm ăn ngày thêm phát đạt, thợ mỗi lúc một đông đòi hỏi phường nghề cần được mở rộng đã nảy sinh thêm nhiều phường thợ khác. Mỗi phường đều có một thợ cả đứng đầu, đó là người giỏi nghề đạt đến mức Nghệ Nhân. Dưới thợ cả còn có 6 bậc thợ khác, từ thợ học việc đến thợ phó.






Sản phẩm của Đồng Xâm bao gồm 3 loại: thờ cúng, trang sức và mỹ nghệ. Đồ thờ cúng gồm các loại đỉnh, vạc, lư hương, đĩa quả, chân đèn, ngai, mũ thờ, long lân quy phụng…Loại hàng này không nhiều, chỉ mang dạng sản xuất đơn chiếc, được khách hàng nước ngoài chú ý và coi chúng như món đồ cổ quý giá.


Đồ trang sức gồm rất nhiều loại như: dây chuyền, xà tích, hoa tai, nhẫn, vòng, trâm, lắc, khánh, thánh giá… bằng bạc. Mỗi loại lại có nhiều kiểu, dáng khác nhau. Riêng nhẫn có các kiểu: gióng trúc, mặt nhật, lòng máng, mặt vuông, mặt đá, mặt ngọc, nhẫn trơn… Mặt nhẫn được khắc hoa, lá, hình trái tim, chữ nổi.


Sản phẩm tinh xảo, đẹp mắt của làng nghề Đồng Xâm.
Sản phẩm tinh xảo, đẹp mắt của làng nghề Đồng Xâm.

Làng nghề dát vàng Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội

Kiêu Kỵ thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội là nơi duy nhất trong cả nước còn nghề làm vàng quì. Đây là một làng nhỏ cách trung tâm Thành Phố Hà Nội khoảng 10 km về phía Đông Bắc. Cả làng có khoảng 30 gia đình với tổng số hơn 200 người làm nghề dát vàng quì. Nghề làm vàng quì ở đây có lịch sử hình thành, phát triển trong khoảng 250 năm.




Nghề dát vàng, bạc ở Kiêu Kỵ được hình thành từ thời Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786) để cung ứng vật liệu trang trí sơn son thiếp vàng tại các công trình kiến trúc của vua chúa và đền, chùa, miếu, điện ở kinh đô Thăng Long cách đó không xa. Người có công gây dựng và truyền bá nghề này được người dân Kiêu Kỵ tôn làm ông tổ làng nghề là Nguyễn Quý Trị. 

Ông sinh ra và lớn lên ở làng Hội Xuyên, xã Liễu Trai, Hải Dương, đỗ tiến sĩ thời Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786). Năm 1763, khi làm quan đến chức Binh Bộ Tả Thị Lang - Hàn lâm Viện trực học sĩ, ông được vua cử đi sứ sang Trung Quốc và đã học được nghề làm vàng, bạc quỳ để sơn thếp lên câu đối, hoành phi.

Khi về nước, ông truyền lại nghề cho dân làng Kiêu Kỵ bởi nơi đây nằm cách kinh thành Thăng Long không xa, rất thuận tiện cho việc xây dựng đền đài, cung vua phủ chúa ở kinh thành.

Từ đó trở đi, dân làng Kiêu Kỵ sống hẳn với nghề này và lưu truyền lại nghề vàng quỳ cho con cháu.

Âm thanh đặc trưng mỗi khi đến làng Kiêu Kỵ là tiếng đập liên hồi của búa. Búa cái, búa con múa trên tay các nghệ nhân làng nghề để đập dẹt một chỉ vàng thành tấm vàng có diện tích bằng chiếc chiếu một (diện tích hơn 1m2). 

Nghệ nhân Lê Văn Vòng với hơn 60 năm làm nghề chia sẻ: Nhìn những lá quỳ vàng bạc long lanh mỏng tang vậy nhiều người tưởng làm đơn giản, nhưng để có những sản phẩm đó, người thợ phải thực hiện hơn 40 công đoạn và không cho phép có sai số ở bất kỳ công đoạn nào nếu không muốn đền cả đống tiền cho khách.

Công đoạn đầu tiên là người thợ làng nghề bỏ vàng, bạc vào nồi nung (làm bằng đất sét to hơn ngón chân cái) đặt nấu trên bếp lò có bễ kéo bằng tay cho đến khi vàng bạc chảy ra sau đó được đổ ra rãnh nhỏ bằng nửa chiếc đũa, thành thỏi dài 10cm.

Từ những thỏi vàng, bạc thật 100% như thế được người thợ đập cho mỏng (còn gọi là đập diệp) để có được tấm vàng có bề ngang 1cm, sau đó được cắt thành những hình vuông nhỏ 1cm2, sau đó đặt vào lá quỳ để thực hiện công đoạn dát mỏng hơn nữa (gọi là đập quỳ). 

Công đoạn mang tính quyết định này chỉ được thực hiện bởi các thợ thủ công có tay nghề điêu luyện cấp bậc nghệ nhân. Lá quỳ có cạnh dài 4cm được kén từ loại giấy dó, loại giấy thường dùng làm tranh Đông Hồ vừa mỏng vừa dai.

Giấy được “lướt” nhiều lần bằng mực tự chế làm bằng loại bồ hóng đặc biệt, trộn với keo da trâu, tạo cho giấy quỳ rất bền chắc. Mỗi quỳ 500 lá, trên mỗi lá đặt một mảnh vàng nhỏ 1cm2 được người thợ dùng vải dường bâu mua từ Nam Định gói lại, đặt lên đe bằng đá, dùng loại búa chuyên dụng (loại búa chỉ có ở làng) đập lên tập lá quỳ cho đến khi mảnh vàng mỏng tràn lên lá quỳ. 

Ở công đoạn này, nghệ nhân phải đập liên tục hàng trăm nhát búa đều nhau trên lá quỳ. Chỉ cần một phút lơ đãng, đập sai nhịp, đập mạnh quá hay nhẹ quá cũng ảnh hưởng đến chất lượng của lá vàng. 

Nghệ nhân Lê Văn Vòng cho biết, với nhiều công đoạn từ nung, nấu, đập, dát vàng, song khó nhất là công đoạn lấy vàng từ lá quỳ ra bởi lúc này, lá vàng được dát đến độ vô cùng mỏng manh, chỉ cần hơi thở mạnh cũng khiến lá vàng rách.




Làng nghề vàng bạc Châu Khê, Hải Dương

Cho đến bây giờ, làng nghề làm vàng bạc Châu Khê, thuộc xã Thúc Kháng, huyện  Bình Giang, tỉnh Hải Dương đã có lịch sử tồn tại trên 500 năm, bắt nguồn từ Lưu Xuân Tín, quan Thượng thư bộ Lại dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460 – 1494) có công khởi dựng nghề đúc bạc nén của làng.



Là quan Thượng thư bộ Lại, nhưng Ông Lưu Xuân Tín rất được triều đình nhà Lê tín nhiệm, giao cho trọng trách lập xưởng đúc bạc nén tại kinh thành Thăng Long, bởi thời điểm ấy, bạc nén là đơn vị thay thế tiền tệ trong mọi hoạt động kinh tế, buôn bán, trao đổi của Xã Hội.

Được triều đình dành cho đặc quyền, Lưu Xuân Tín đã ưu tiên cho người làng ông lên Thăng Long lập xưởng đúc bạc tại phường Đông Các. Dần dần, từ nghề đúc bạc, những người thợ Châu Khê đã phát triển lên nghề làm đồ trang sức vàng bạc (còn gọi là Kim Hoàn).

Kể từ đó, nghề làm vàng bạc Châu Khê trở nên lừng danh không chỉ ở Hải Dương mà còn lan truyền đến Hà Nội, nơi nổi tiếng với tên phố Hàng Bạc, tập trung rất nhiều thợ làm vàng bạc vùng này.



Không phải là người đầu tiên tìm ra kỹ thuật sản xuất đồ Kim Hoàn, nhưng người Châu Khê có công lớn trong việc biết kết hợp sự khéo léo của đôi bàn tay, sự sáng tạo của trí tuệ, bí quyết riêng của bản thân với kỹ thuật làm vàng cổ truyền để cho ra đời những sản phẩm hoàn thiện nhất, tinh tuý nhất.

Họ không chỉ mang đến cho người sử dụng trang sức lộng lẫy và trang trọng, mà còn góp phần duy trì làng nghề truyền thống của cha ông và sự phát triển nghề kim hoàn ở nước ta.

Đặc biệt trong khoảng gần 100 năm trở lại đây, làng nghề Châu Khê đã đạt tới đỉnh cao về kỹ thuật sản xuất, chất lượng và số lượng sản phẩm vàng bạc trong cả nước.


Sưu tầm

364 views0 comments

Comments


bottom of page